Thơ Đường Luật

Thơ Đường Luật

Gửi bàigửi bởi tranchau

tc xin phép Thầy bcdt copy những bảng luật nầy !

I - Tứ Tuyệt Luật Bằng Vần Bằng- 3 vần- Không đối

Bảng luật

B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)

Chú ý:

* 4 câu thơ phải theo tuyệt đối bảng luật ghi trên đây
* Giữ đúng vần, không được dùng "thông vận", nghĩa là câu đầu hể đã gieo vần nào thì phải gieo đúng vần đó.Thí dụ câu đầu gieo vần "anh" thì câu 2 và câu 4 không được gieo "inh".
* Không được trùng từ hay điệp ngữ
* Câu 3 và câu 4 không cần đối với nhau.

Thí dụ:

Lòng buồn nặng trĩu bước đơn côi
Gọi nắng dần tan tận cuối đồi
Mái lá im chờ nguời cách trở
Nhà tranh lặng ngóng kẻ xa xôi
(Lam chiều - Glc)

Thương người lặng lẽ kiếp đơn côi
Chợt ngắm vầng mây phủ xuống đồi
Bắc hải nơi xưa giờ diệu vợi
Nam Dương chốn cũ đã xa xôi
(Tìm ai - Glc)

II - Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 3 vần - Không đối

BẢNG LUẬT:

T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

* Phải giữ đúng một cách nghiêm ngặt luật bằng trắc đã ghi trong Bảng Luật
* Không được dùng thông vận
* Không được trùng từ hay điệp ngữ
* Câu 3 và 4 không cần đối với nhau

Thí dụ :

Thoảng gió đưa trăng gợn mái lầu
Hiên buồn ủ rủ suốt đêm thâu
Hàng tre ngớ ngẫn buông thân đợi
Khóm trúc vu vơ ngã dáng sầu

(Trích Vu vơ - Glc)

III - Tứ Tuyệt Luật Bằng** Vần Bằng - 2 vần - Không đối


B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)


· Phải giữ đúng một cách nghiêm ngặt luật bằng trắc đã ghi trong Bảng Luật
· Không được dùng thông vận
· Không được trùng từ hay điệp ngữ
· Câu 1 và 2 không cần đối với nhau

Thí dụ:

Trời Tây đất khách đành chia lối
Núi Ngự quê nhà nỡ cách đôi
Lá thắm thêm lần rơi rụng nữa
Thu còn buồn mãi, lệ còn khơi
(Trích Thu nhớ người- Glc)

Thu phong quán củ sầu ai óan
Thệ thủy cầu xưa tủi xót xa
Gió ngựa dậm trường người có thấu
Cuồng phong phá nát cả đời hoa
(Trích Thu oán- Glc)

IV - Tứ Tuyệt Luật Trắc** Vần Bằng - 2 vần - Không đối

T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

· Phải giữ đúng một cách nghiêm ngặt luật bằng trắc đã ghi trong Bảng Luật
· Không được dùng thông vận
· Không được trùng từ hay điệp ngữ
· Câu 1 và 2 không cần đối với nhau

Thí dụ:


Bến vắng im lìm che vụng dại
Trăng khuya lặng lẽ dấu thơ ngây
Ao Thu nhẹ bước in vầng nguyệt
Vẳng tự xa xa nhạn gọi bầy
(Trích Đêm Thu - Glc)

Dạo khúc hôm nào tình đã mất
Vần thơ buổi nọ ý còn đâu
Ai về chốn ấy xin cho gửi
Một cánh Quỳnh Hương đã nhạt mầu
(Trích Vu Vơ- Glc)


V - CÂU ĐỐI

Trong một bài thơ Đường Luật quan trọng nhất là hai cặp đối trong câu 3,4 và 5,6 . Bài thơ dù có hay nhưng nếu cặp đối không chỉnh thì bài thơ Đường Luật đó kể như mất giá trị . Phần lớn những người làm thơ Đường Luật mất căn bản (do học sách, tự học, học qua cửa sổ hoặc học không kỹ) đều vấp phải phần nầy . Cho nên các bạn cần làm bài tập thật kỹ lưởng .

Luật đối:

Gồm có:
- Đối luật (bằng trắc): câu trên là luật trắc thì câu dưới phải là bằng ,và ngược lại
- Đối ý: ý tưởng của hai câu đối phải cân xứng với nhau. Trong một bài thơ, đối ý đây phải hiểu ngoài nghĩa là ngược nhau còn có nghĩa là cân đối nhau.
- Đối từ loại: Danh từ riêng đối với danh từ riêng, danh từ chung đối với danh từ chung, tên người đối với tên người, tên nước tên địa phương đối với tên nước tên địa phương.,từ kép đối từ kép, từ đơn đối từ đơn, tỉnh từ đối với tỉnh từ, Hán Việt đối với Hán Việt, chử Nôm đối với chử Nôm v.v...

Câu trên: <--------------> Câu dưới:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Nhớ (trắc, động từ) <> Thương (bằng, động từ)
Nước (trắc, noun-nom) <> Nhà (bằng, noun-nom)
Đau (bằng, động từ) <-----> Mỏi (trắc, động từ)
Lòng (bằng, danh từ) <-----> Miệng(trắc, danh từ)
Con(bằng, article) <-----> Cái (trắc, article)
Cuốc cuốc (trắc, danh từ kép) <-----> Gia Gia (bằng, danh từ kép)

1. LUẬT TRẮC:

T - T - B - B - B - T- T
B - B - T - T - T - B - B


Thí dụ:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Qua đèo ngang - BHTQ)

2. BẢNG LUẬT BẰNG:

B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B

Thí dụ:

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
(Qua Ðèo Ngang - BHTQ)

VI - TỨ TUYỆT VẦN BẰNG CÓ ĐỐI

Bảng Luật:

1. Luật Trắc:

T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu dưới)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu trên)

Ghi chú:

Về vần và luật giống như Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng thường. Nhưng đặc biệt 2 câu 3 và 4 phải đối nhau theo Luật Đối.

Thí dụ:

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Nghìn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau trua mảnh má hồng
( Tôn Phu Nhân Qui Thục - (bài xướng) của Tôn Thọ Tường.)


2. Luật Bằng:

B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu dưới)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu trên)

Ghi chú:
Về vần và luật cũng giống như Tứ uyệt Luật Bằng Vần Bằng thường. Nhưng đặc biệt 2 câu 3 và 4 phải đối nhau theo Luật Đối.

Thí dụ:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông
Khói tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
(Trích: Tôn Phu Nhân Qui Thục - (bài họa) của Phan Văn Trị.)

VII - TỨ TUYỆT VẦN BẰNG 2 VẦN - CÓ ĐỐI

Bảng Luật

1. Luật Trắc:

T - T - B - B - B - T - T (đối câu dưới)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu trên)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

Ghi chú:

Hai câu 1 và 2 phải đối nhau theo Luật Đối.

Thí dụ:


Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
(Trích: Tôn Phu Nhân Qui Thục - bài xướng của Tôn Thọ Tường.)


2. Luật Bằng:

B - B - T - T - B - B - T (đối câu dưới)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu trên)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)


Ghi chú:
Hai câu 1 và 2 phải đối nhau theo Luật Đối.

Thí dụ:

Hai vai tơ tóc bền trời đât
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
(Trích: Tôn Phu Nhân Qui Thục - bài họa của Phan Văn Trị.)

* Phải dùng chính vận
* Tránh điệp từ , điệp ngữ, điệp vận
* Theo đúng bảng luật ghi trên
* Áp dụng những chú ý đặc biệt đã ghi trong những lớp trước về cách bỏ dấu


VIII - THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT

Như đã nói trong phần lý thuyết, Hai bài Tứ Tuyệt hợp lại thành một bài Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật .
Bốn câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần có đối.
Bốn câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần có đối.
(Xem bài 6 và bài 7)

Chúng ta có Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật :
- Luật Bằng Vần Bằng.
- Luật Trắc Vần Bằng.

LUẬT BẰNG VẦN BẰNG

Bảng Luật :


B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 4)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu 6)
T - T - B - B - T - T- B (vần) (đối câu 5)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)

Thí dụ:

Tôn Phu Nhân Qui Thục

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đât
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
(Bài họa của Phan Văn Trị)

Chùa bà đanh

Thầy Gieo Lộn Chổ chẵng quên đường
Bắt ghế ngồi đây thiệt thấy thương
Ốm yếu mèo chê xương hổng gặm
Gầy gò chó chán thịt không trương
Cờ treo rời rạc bay trên mái
Liễn dán lơ thơ tróc cạnh tường
Trống đánh la khua đà tắt tiếng
Tao nhân mặc khách mấy ai chường

Glc


LUẬT TRẮC VẦN BẰNG

Bảng Luật :


T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B- T - T - B - B - T (đối câu 4)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 6)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 5)
B - B- T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

Ví dụ:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì ?
Thương chồng nên khóc tỉ tì ti.
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo,
Cay đắng chàng ô vị quế chi.
Thạch nhũ trần bì sao để lại,
Quy thân, liên nhục, tẩm mang đi.
Dao cầu, thiếp biết trao ai nhỉ ?
Sinh ký, chàng ơi, tử tắc quy.

(Hồ Xuân Hương-Bà Lang Khóc Chồng)

Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
tranchau
Administrateur du site
 
Bài viết: 8086
Ngày tham gia: 10 Tháng 5 2010

Quay về Thơ Văn - Việt Ngữ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.5 khách.


cron
free counters F9: Đổi kiểu gõ | F12: Tắt mở bộ gõ
Tắt  Tự động  Telex  VNI  VIQR