Bánh Bèo

Bánh Bèo

Gửi bàigửi bởi tranchau

Tuy là món ngon đường phố nhưng nhiều nhà hàng sang trọng cũng có món này trong thực đơn của mình, nhất là các nhà hàng Huế. Bên cạnh bánh nậm, bánh bột lộc, quai vạc... thì không thể thiếu vị trí của chiếc bánh bèo chén, bình dị đấy nhưng thanh tao lạ.

Hình ảnh


Cái tên nghe rẻ rúng như một nỗi niềm nhưng nó được xem như thứ “món ngon đường phố”thuộc loại xa xưa nhất trong lịch sử hàng rong. Bánh này có xuất xứ từ đất Thần Kinh nhưng ngày nay đã phổ biến cả ba miền Bắc Trung Nam, mỗi miền có khác đi một chút.

Bèo dạt mây trôi

Gọi là bánh bèo, đơn giản vì hình dạng của nó mỏng mảnh, tròn trịa như cánh bèo hay biết đâu đó là cách chơi chữ của dân gian bởi giá nó cũng… bèo như thế đấy. Cách làm thì khá đơn giản, chỉ cần có ít gạo làm bột, tôm khô làm nhân, chén sành, nồi hấp là đã có ngay một cỗ bánh bèo đãi bà con khắp xóm. Nếu kể cho tỉ mỉ thì phải làm như sau: gạo xay thành bột nhỏ, đem ngâm nước để bột có độ dẻo vừa phải. Sau đó trộn chút mỡ rồi đổ vào các chén nhỏ trẹt lòng (nhưng phải là loại chén người xưa hay dùng, gọi là chén bông cỏ làm bằng đất nung hoặc chén sành). Khi đổ bột phải đổ sao cho khéo để bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào xửng hấp hơi cho đến khi bánh vừa chín tới là được.

Khi bánh chín cho thêm gia vị như tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo tưới lên chén bánh trước khi ăn. Trên những cánh bèo trắng muốt, nổi lên phần nhân đo đỏ, tưởng tượng giống như áng mây ráng chiều. Ăn bánh bèo mà đâm ra thi vị hẳn. Thưởng thức bánh bèo đúng cách là phải ăn bánh trong từng chén nhỏ đúng kiểu nhà quê chứ không cho ra đĩa, càng không dùng muỗng nĩa thông thường mà phải dùng một thanh tre vót nhẵn như hình lưỡi dao để cắt bánh mới thú vị. Ở Sài Gòn thì khó bắt gặp các bà, các chị bưng mẹt bánh bèo rao khắp xóm như xứ Bắc hay Trung mà thường chỉ có những quán cóc ven đường. Vài ba chén bánh bèo chưng trong tủ kính để khách đi đường qua lại biết mà ghé, thậm chí “bảng hiệu” cũng khiêm tốn, ghi đúng hai chữ bánh bèo” trên miếng giấy cac - tông, thế là đủ. Ai bảo tên bánh là bèo làm chi để mãi phải chịu kiếp hàng rong?

Hình ảnh


Nói là vậy nhưng ngày nay nhiều nhà hàng đã mang đặc sản này tiếp thị cho thực đơn của mình, nhất là các nhà hàng Huế. Bên cạnh bánh nậm, bánh bột lộc, quai vạc... thì không thể thiếu vị trí của chiếc bánh bèo chén, bình dị đấy nhưng thanh tao lạ.

Mẩn mê nước chấm

Đối với những món ăn có nước chấm làm từ nước mắm thì phải mặc nhiên công nhận rằng món ngon nhờ nước chấm. Thiếu nó, món ăn trở nên nhạt nhẽo, vô vị và nói như người nhà quê là… lãng nhách. Đương nhiên cũng phải một món ngon thế nào khi hòa với nước mắm đã pha mới có vị béo bùi, mặn nồng chứ. Cách làm nước chấm bánh bèo cũng đặc trưng lắm. Lấy nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm, khuấy đều. Nước chấm cần làm sao cho thật vừa, không mặn không nhạt và hơi ngọt một chút. Có thể thêm cà rốt xắt sợi để làm tăng sự hấp dẫn. Thậm chí nếu muốn đậm đà, nhiều người cho hẳn tôm khô đã bằm nhuyễn vào chén nước chấm, ngọt và thơm đến mỡ màng.

Hình ảnh
Bánh bèo bì


Bánh bèo cũng thật lạ, dù ăn nóng hay nguội đều ngon cả. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, cắn nghe sừn sựt, giòn cả tai, nuốt vào mà… lạnh bụng. Bánh bèo cũng là thứ mà các bà, các chị chọn khi ăn hàng bởi nó vừa rẻ, vừa ngon lại dễ ăn, đến mà gọi một hai chén cũng không ai phàn nàn chi, mỗi chén một ít, ăn cho đỡ thèm cũng được.

Bánh bèo ba miền

Bánh bèo thì cũng có loại mặn và ngọt. Bánh bèo mặn xứ Huế nổi tiếng là bánh bèo tôm chấy, còn ở những tỉnh miền Trung khác người ta chỉ cho phần hành lá phi xanh thêm ít tốp mỡ vàng lên mặt làm nhân, miền Nam thì thêm thịt bằm, cà rốt cho nhiều màu sắc. Riêng miền Bắc, bánh được gói 3 lần lá chuối để giữ nguyên màu ngọc thạch cho bánh khi chín, mặt bánh rắc chút hành lá cắt nhỏ, xào mỡ trông như đám bèo hoa dâu nổi trên mặt ao, thêm vài ba miếng tóp mỡ rán vàng làm nhân.

Hình ảnh
Bánh bèo ngọt


Suy cho cùng, bánh bèo chỉ khác ở cách làm nhân còn hình dạng và bột bánh thì hầu như giống nhau. Người miền Nam ưa ngọt thường thích bánh bèo đậu xanh. Những chiếc bánh nhỏ xíu được đổ vào cái khuôn có những lỗ tròn như chum uống rượu, bột pha thêm lá dứa, nước cốt dừa cho thơm, đổ vào hấp 1 phút là chín ngay. Khi ăn, người ta quết lên một lớp đậu xanh đã nấu chín, đồ kĩ, ăn kèm nước cốt dừa, béo ngậy. Nhưng vốn nhiều người không hảo ngọt, ưa béo nên họ vẫn chuộng bánh bèo mặn hơn vì khi ăn cảm nhận rõ vị âm dương hòa hợp.

Người miền Tây có cách ăn bánh bèo rất lạ. Bánh bèo được xếp ra đĩa, chan ngập nước mắm và thêm ít nước cốt dừa lên mặt. Khi ăn, không chỉ ăn bánh mà còn húp cả “nước” để cảm nhận hết vị ngọt, mặn pha lẫn béo của nó.

ST
Hình đại diện của thành viên
tranchau
Administrateur du site
 
Bài viết: 8085
Ngày tham gia: 10 Tháng 5 2010

Re: Bánh Bèo

Gửi bàigửi bởi tranchau

Bánh Bèo "cắc chú"

Hình ảnh


Bánh bèo "cắc chú" là tên gọi từ thời xưa của bánh mặn (còn gọi là bánh ổ mặn). Bánh được làm từ bột gạo tráng mỏng, với nhân từ thịt, tôm khô, củ đậu... xào khô với hành phi, tỏi băm.

Những chợ nhỏ ở Bến Tre quê tôi sáng nào cũng có vài gánh hàng bán món bánh có tên gọi là bánh bèo "cắc chú". Chữ "cắc chú" trong âm ngữ miền nam là nói trại từ chữ khách trú mà ra. Tuy nhiên, danh từ này ngày nay không còn ai dùng nữa. Phần vì không hiểu gốc tích ra sao, phần vì so về nguyên liệu bột gạo, nước cốt dừa, nước mắm thì không phải là ẩm thực truyền thống của người Minh Hương. Bây giờ người ta hay gọi là bánh mặn hoặc bánh ổ mặn.

Đây là một loại bánh dễ làm, đơn giản, rẻ mà lại rất ngon. Chủ yếu là bột gạo thêm chút ít bột mì, cứ một chén bột thì có hai chén nước cốt dừa, thêm tí muối, đường, quậy đều rồi lược lại cho sạch cặn. Sau đó đổ lớp bột chừng 5 mm vô xửng đã thoa dầu, để vào chõ hấp cách thủy. Lớp bột này vừa chín tới thì đổ lớp khác lên trên, nhớ lấy que tăm xăm đều khắp bề mặt lớp bột đã chín cho hai lớp bột cũ mới bám dính vào nhau. Tiếp tục làm như vậy cho đến hết.

Phần nhân khá giống nhân bánh bèo gồm tôm khô rửa sạch để ráo, thịt nạc thái mỏng xắt nhỏ, hành phi, tỏi băm nhưng có thêm củ sắn (củ đậu) xắt hạt lựu thật nhỏ. Bắc chảo mỡ nóng phi tỏi thơm, cho tất cả phần nhân vào xáo lên, nêm tiêu, muối, bột ngọt vừa ăn và đảo đều đến khi nhân thật khô. Khi ăn dùng dao xắt từng miếng chừng 3 ngón tay, dày mỏng tùy thích cho vào đĩa, bên trên rắc nhân, chan nước mắm tỏi ớt và ăn lúc bánh còn nóng thì ngon... hết sảy!

Đây là món điểm tâm hấp dẫn, nó có khắp các chợ quê. Từ người già răng yếu ớt cho đến con trẻ háu đói ít tiền, thảy đều ưa thích. Bột bánh mềm mại, không dai cũng không bở rệu, có vị hơi béo của nước cốt dừa lại thơm đậm mùi tôm khô, thịt xào, lại trơn dễ nuốt mà nhẹ bụng. Được cái là giá cả cũng rất bình dân, chừng 2 nghìn thì no nê.

Hỏi thăm những người làm bán đã nhiều đời, xin cho biết còn có bí quyết gì nữa chăng. "Người ta" chỉ cười cười mà không đáp khiến tôi đồ rằng chắc phải có chút tuyệt chiêu gia truyền nào đó nữa mà mình chẳng tài nào biết được. Âu như thế "người ta" mới giữ được khách suốt bao năm lưu luyến. Từ thuở người bán là cô gái xuân thì, kẻ mua còn là chàng trai mới lớn, đến nay, mỗi khi chống gậy lần dò trở về quê cũ, kẻ mua ấy quyết lụm cụm tìm cho bằng được gánh hàng dưới tán me tây già cuối chợ, để thưởng thức lại món bánh đậm đà thơm ngậy của "người ta", của ngày xưa ấy, dù "hai đứa" giờ đây tóc đều đã ngã sang sắc trắng... bánh bèo.


Sưu tầm
Hình đại diện của thành viên
tranchau
Administrateur du site
 
Bài viết: 8085
Ngày tham gia: 10 Tháng 5 2010

Re: Bánh Bèo

Gửi bàigửi bởi tranchau

Bánh Bèo xứ Huế

Không biết có từ bao giờ, nhưng bánh bèo đã là một đặc sản, một món ăn không thể thiếu của người dân xứ Huế. Bánh bèo có mặt từ mâm cơm dân dã ở mỗi gia đình cho đến các bữa tiệc, ngày lễ, ngày Tết và các dịp đãi khách trọng thể.

Bánh bèo làm không khó, nguyên liệu làm bánh chỉ là gạo xay thành bột mịn, đem ngâm nước vài phút để có độ dẻo, lỏng vừa phải, sau đó múc vào từng chén nhỏ, xếp vào vỉ đem hấp chín bằng hơi. Khi bánh chính cho thêm gia vị như: tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo thực vật tưới lên chén bánh trước khi ăn. Nước chấm bánh bèo được nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt, vừa béo. Khi ăn, tùy khẩu vị từng người mà dùng ớt cho vừa...

Có dịp đến Huế, mới thấy bánh bèo gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân cố đô như thế nào. Khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều, đâu đó trên các ngõ phố những phụ nữ gọn gàng trong bộ áo dài thong thả bách bộ với quanh gánh nhẹ trên vai hoặc chiếc thúng nhỏ cắp ngang hông, đi bán bánh bèo, bánh lọc đến từng nhà. Người Huế rất thích và đã thành thói quen dùng loại bánh đầy hương vị quê nhà này vào các bữa ăn phụ, chỉ cần 1.000 đồng là đã có một đĩa bánh bèo lót dạ thơm ngon.

Bánh bèo cũng không thiếu trong các bữa "cơm vua" phục vụ khách du lịch và trong các bữa tiệc "cơm cung đình" chiêu đãi các khách quý.

Từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO xếp loại là di sản thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế ngày càng đông. Vì vậy, song song với kiểu kinh doanh "cơm vua" trong các khách sạn, nhà hàng... ở Huế bây giờ còn mọc lên nhiều "phố bánh bèo" quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm... Những "phố bánh bèo" này, thực khách không chỉ là dân Huế mà phần đông là khách từ phương xa đến. Quả thật, ai có dịp đến Huế cũng đều muốn thưởng thức món bánh bèo - một món đặc sản của đất cố đô.

ST
Hình đại diện của thành viên
tranchau
Administrateur du site
 
Bài viết: 8085
Ngày tham gia: 10 Tháng 5 2010


Quay về Hương Vị Quê Nhà

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.3 khách.


cron
free counters F9: Đổi kiểu gõ | F12: Tắt mở bộ gõ
Tắt  Tự động  Telex  VNI  VIQR