Chút Lửa Tin Yêu

Chút Lửa Tin Yêu

Gửi bàigửi bởi Tóc Mây

Hình ảnh


Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (771-853), Sư họ Triệu quê ở Trường Khê, Phước Châu Trung Quốc. Mười lăm tuổi, Sư thế phát xuất gia; hai mươi ba tuổi Sư đến Giang Tây tham học với Tổ Bá Trượng Hoài Hải.
Một hôm, Sư đứng hầu Bá Trượng.

Bá Trượng hỏi: -Ai?
Sư thưa: -Con, Linh Hựu!
Bá Trượng bảo: -Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?
Sư vạch ra, thưa: -Không lửa.
Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa lên chỉ Sư, bảo:
- Ngươi bảo không, cái này là cái gì?
Sư nhơn đây đại ngộ, lễ tạ trình bày chỗ giải ngộ của mình.

Một giai thoại ngắn giữa Thầy trò Tổ Bá Trượng và Quy Sơn, nhưng đã trở thành thiên thu bất tuyệt cho con cháu nhà Thiền. Người xưa tìm lửa nơi bếp tro tàn nhằm đánh thức ngọn lửa trong tâm người đệ tử, để rồi từ đó hòn than hồng âm ỉ cháy tỏa bầu nhiệt huyết cho một Thiền tăng.
Có những lúc tôi tự hỏi, tuy được sanh làm người nhưng nếu không gặp Chánh pháp, minh sư, thiện hữu tri thức thì cuộc đời mình sẽ ra sao? Có giống như đóng tro tàn nguội lạnh chăng? Chúng ta cũng đi đứng nói năng sinh hoạt như bao người nhưng thật sự đang chết lịm từng sát na, vì theo duyên quên mất chính mình, vùi hòn than đỏ dưới lớp tro tàn. Sống mà lạnh ngắt, không có nhiệt huyết không có niềm tin Tổ nói như củi mục than nguội.
Nếu chúng ta quán chiếu từ vô lượng kiếp tử sanh thì không biết mình đã từng làm gì, ở đâu, mang thân phận loài nào, hoàn toàn không biết được.
Nhà Phật gọi là sống say chết mộng chẳng có hơi ấm, chẳng có ánh sáng trí tuệ dẫn đường.
Nay nương nhờ Phật pháp, được gần minh sư, tôi mới tự hiểu trong mỗi chúng sanh luôn có một ngọn lửa hồng đang cháy đỏ, nhưng muốn khơi dậy ánh lửa đó chúng ta phải nỗ lực vạch sâu trong đóng tro tàn năm uẩn. Một bếp than nhiều đời nguội lạnh, chưa từng thắp cháy thì phải tự đào xới, bơi móc cho ra chút lửa để đốt lên bầu nhiệt huyết nơi chính mình.
Nếu ngài Linh Hựu không được Tổ Bá Trượng vạch sâu trong lò đưa cho chút lửa, liệu núi Quy có được in dấu một Thiền sư chăng? Từ hòn than âm ỉ nơi Giang Tây để rồi bùng vỡ tỏa sáng nơi Quy Sơn cùng cốc.
Tổ Bá Trượng, Thầy của ngài Linh Hựu đã tịch, hòn than năm xưa cũng đã tắt tự bao giờ, nhưng từ chút lửa đó đã un đúc một người đệ tử dám ẩn dật núi Quy suốt 16 năm trường cùng sống với hổ beo. Trong mười sáu năm, ngài Quy Sơn nuôi dưỡng hòn than mà thầy đã truyền cho, đến khi hòn than thật sự cháy rực đủ sức sưởi ấm cho bao người Sư mới mở cửa xuống núi tiếp Tăng độ chúng, đốt lên ngọn đuốc rừng thiền. Và ánh lửa đó đã lan truyền từng người, từng thế hệ.
Giờ đây, chúng tôi được ngồi an lành tỉnh tọa trong ngôi đại già lam, được sưởi ấm trong ánh lửa Phật pháp, là nhờ những vị thầy, những bậc thiện hữu tri thức đã không quản lao nhọc cố khom lưng vào bếp vạch tìm chút lửa, gầy dựng niềm tin cho thế hệ chúng tôi.
Những lúc nhìn lên mái đầu của Thầy đầy những sợi tóc bạc, chúng tôi chợt chạnh lòng, vì tuổi đời một thêm thì sức Người lại yếu xuống, gió sương bụi đường phủ đầy lên đôi vai của thầy đã từng nhọc nhằn giờ càng nhọc nhằn thêm. Nhưng nơi thầy, chúng tôi vẫn thấy ánh mắt sáng rực cả một bầu nhiệt huyết vì Tăng Ni tứ chúng, vì tiền đồ Phật pháp, thầy luôn nở nụ cười thanh sảng tiêu dung.
Ân đức người xưa, ân đức người nay không thể viết bằng lời, chỉ xin khắc cốt ghi tâm. Tuy chưa đủ sức để tự thắp lên ánh lửa tự tâm, nhưng tôi tin rằng thầy sẽ tiếp sức bơi thật kỹ, vạch thật sâu để chỉ cho chúng tôi có hòn than đang cháy rực.
Thầy từng nói: "Chỉ cần chúng con thấy được ánh sáng chân thật thì đủ gầy dựng niềm tin cho cuộc đời mình. Chúng ta phải biết thương mình, phải tự đào bới tìm cho ra lửa để sưởi ấm cho chính mình và bao người đang ngụp lặn dưới biển mê. Chỉ có như vậy mới không cô phụ chí nguyện xuất gia tu đạo, không uổng phí bao tâm huyết của thầy tổ đã un đúc, đã trao đèn tiếp lửa cho thế hệ mai sau".

Một chút lửa tin yêu
Xin thắp lên sưởi ấm
Bao tâm hồn lạc lõng
Quên mất nẻo đi về.


Linh Cẩn
Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
Tóc Mây
 
Bài viết: 245
Ngày tham gia: 20 Tháng 4 2013

Quay về Bài Học Cuộc Sống

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.2 khách.


cron
free counters F9: Đổi kiểu gõ | F12: Tắt mở bộ gõ
Tắt  Tự động  Telex  VNI  VIQR