Chè Mè Đen

Chè Mè Đen

Gửi bàigửi bởi tranchau

Chè Mè Đen

GVGC Cẩm Tuyết hướng dẫn

Hình ảnh


Chè mè đen luôn có thêm vị gừng và được ăn nóng... có lẽ vì vậy mà món chè này chỉ thích hợp vào tiết trời mưa lạnh buổi tối. Không gian, thời gian thích hợp cũng làm cho món ăn ngon hơn.

Xí Mà (phủ) vừa ngọt vừa thơm
Mời anh một chén quên cơm nhà mình !
Trời mưa rau đắng hữu tình
Rau câu trời nắng cho mình nhớ nhau !

1. Chọn mè:
Phải là mè còn mới. Không dùng mè cũ đã để lâu, có thể bị mục, mốc, khô dầu. Mè mới luôn nặng hơn mè cũ, cùng một trọng lượng, mè mới sẽ thấy ít số lượng hơn hơn mè cũ. Mè phải có sắc đen bóng, đầy đặn, vị thơm nhẹ, không lẫn tạp chất như bông cỏ, cát sạn. Khi thả vào nước mè phải chìm chứ không nổi. Nếu thấy mè nổi lên mặt nước nhiều là mè vỏ, đã bị khô gần hết dầu.

2. Dụng cụ xay mè:
Bếp VN hay dùng loại cối xay bằng đá để xay khô mè đã vo đải sạch và phơi khô lại. Để làm trong gia đình, chỉ cần sử dụng một cái cối xay tiêu hay xay cà phê lọai nhỏ đủ xay vài trăm gram mè mỗi lần. Máy vận hành bằng tay hay bằng máy, dĩ nhiên đó phải là một cái máy mới, chưa qua sử dụng xay tiêu hay cà phê và bạn sẽ chỉ sử dụng để xay mè. Dùng chày cối để giã thì bột mè không mịn đều, tốn công.

3. Chè mè đen:
Phân lượng cho độ sánh chè vừa phải vì còn tùy thuộc vào chất lượng mè đang có.

- 200gr mè đen thả trong thau nước, vớt bỏ hột hay tạp chất nổi lên mặt nước, vo sạch mè, trải ra trên một mặt phẳng có thể thoát nước như rá, rổ lổ nhỏ, phơi khô ráo hoàn toàn. Xay mè thành bột mịn, sau khi xay nên rây bột mè qua một rây kim loại lổ nhỏ để lược bỏ tạp chất. Việc vo và phơi mè nên làm trước vài ngày, trữ sẵn.

- 300gr dừa nạo. Cho vào chừng một chén nước ấm vắt lấy nước cốt, hoà tan với 1 muỗng súp bột năng hoặc bột bắp, để riêng. Cho thêm nước ấm vắt lấy khoảng 1, 5 lít nước dảo.

- 70gr đường phèn tán nhỏ hoặc 300gr đường cát trắng mịn. Một bó lá dứa chừng 5 lá nếu thích.

- Bắc nước dừa dảo với bột mè xay lên bếp + lá dứa lên bếp, khi thấy nước bắt đầu dậy hơi, chớm sôi dùng đũa dài khuấy đều tay, liên tục kẻo bột mè đóng cục, sít nồi, nhỏ lửa, để sôi nhẹ khoảng 7 - 10 phút, ngửi thấy dậy mùi thơm lá dứa, vớt bỏ lá dứa. Cho đường vào và vẫn khuấy đều tay cho tan đường. Khi bột mè chín hoàn toàn nếm thử không còn thấy lợn cợn bột và nước chè sánh lại, chỉ cần cho thêm ít nước cốt dừa có bột vào từ từ, vừa châm vừa khuấy đều cho chè chỉ hơi sệt thêm chút nữa là được.

* Không để nước dừa dảo sôi rồi mới cho bột mè vào. Chè mè đen nấu nhanh nhưng không bao giờ để sôi sùng sục mà chỉ để sôi váng hơi. Đừng nấu số lượng nhiều cùng một lúc. Vì phải nấu lâu sẽ bị dậy mùi dầu dừa.

* Lá dứa chỉ dùng để tạo mùi thơm, nhất khi thấy mè không còn thơm, tức là mè cũ, dùng hay không tùy ý. Nếu có mè mới, có mùi thơm... thì có thể không dùng lá dứa.

* Chè loãng hay đặc mè là tùy lượng nước dảo dừa sử dụng ít nhiều với một lượng mè nhất định. Nếu dùng nước bột năng thì chè có sắc trong. Chè nấu xong phải có sắc đen bóng mới là mè ngon,nếu chè lợn cợn trắng là do bị mè vỏ quá nhiều hoặc dùng lượng nước dừa dảo nhiều hơn mè quá nhiều.

* Lượng đường sử dụng cho vị chè ngọt rất nhẹ, tùy thích gia giảm. Nếu muốn vị chè ngọt tự nhiên, ít béo thì dùng nước dừa tươi ngọt để nấu hoặc dùng nước lạnh để nấu với đường phèn.

* Chè mè đen thường ăn nóng với vài phụ gia sau (tùy chọn - nếu không dùng lá dứa): Gừng non gọt vỏ cắt sợi thật nhỏ, vỏ quýt khô ngâm nước nóng cho mềm, cắt sợi, cho nước lẫn sợi vỏ quýt vào chè; phần vỏ xanh có tinh dầu trái cam sành tươi dùng dao mỏng hớt từng miếng nhỏ cỡ vảy móng tay, mỗi chén chè nóng chỉ cho vào 1 -2 hai miếng.

Mè đen có công dụng nhuận trường, bổ huyết, ích gan, thận, nói chung là nội tạng, có lợi cho não tủy và làm mạnh cơ bắp, gân cốt. Phụ nữ có thai ở tháng thứ năm nên dùng chè mè đen rất tốt cho sự tăng trưởng não bộ của thai nhi.

********************************************
Hình đại diện của thành viên
tranchau
Administrateur du site
 
Bài viết: 8085
Ngày tham gia: 10 Tháng 5 2010

Re: Chè Mè Đen

Gửi bàigửi bởi tranchau

Chè mè đen - Chí mà phù hay chè vừng đen


Có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc), du nhập vào Quảng Nam, Sài Gòn khi người Hoa đến đây buôn bán. Ngoài chè mè đen, người Hoa còn mang đến đây nhiều loại chè lạ khác như chè bo bo trứng cút, chè trứng gà… Nhưng chè mè đen phổ biến nhất, có lẽ vì nó ngon, dễ ăn, mà lại có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ

Nguyên liệu:

100gr mè đen loại mè sống đã bỏ vỏ. Mình mua ở siêu thị Coopmart
300 gr đường trắng (tùy khẩu vị ăn ngọt của mỗi gia đình. Nhà mình thích ăn ngọt nên thường cho nhiều đường hơn một chút, sau khi để lạnh sẽ rất ngon)
30gr gạo tẻ (loại gạo bình thường dùng nấu cơm). Mình không thích dùng gạo nếp vì món chè sẽ bị quá dính, không đẹp mắt

Chuẩn bị:

Vo gạo cho sạch rồi ngâm vào nước. Ngâm ít nhất khoảng 1 giờ đồng hồ, nếu lâu hơn càng tốt để gạo mềm, dễ xay
Mè cho vào bát nước sạch rửa sơ. Vớt những hạt mè nổi trên mặt nước là mè sạch. Những hạt đọng phía dưới phải đãi cho sạch vì có thể lẫn cát bụi, tạo sạn cho chè.

Cách làm:


Cho mè vào một cái chảo nóng, rang lên. Chú ý dùng lửa vừa, đảo đều liên tục để tránh bị cháy. Khi nào có nhiều hạt mè nổ lách tách và có mùi thơm thì mè đã chin. Bắc ra cho mè vào một cái âu lớn hay cối. Dùng chày khuấy đều mè thành vòng tròn. Khi khuấy nên mạnh tay một chút để các hạt mè vỡ ra. Khi nào bạn thấy mè có màu xám và mùi thơm bốc ra ngào ngạt là đã hoàn thành. Giai đoạn này hơi mỏi tay nên bạn có thể làm trước rồi nghỉ ngơi trược khi nấu tiếp.
Cho gạo đã ngâm vào máy xay sinh tố, đổ nước ngập gạo rồi xay cho nhuyễn. Xay xong đổ hỗn hợp gạo ra một cái nồi. Rửa sạch cối xay
Cho số mè bạn đã ép vụn vào cối xay sinh tố, đổ nước cho ngập rồi xay cho nhuyễn. Càng xay nhuyễn chè sẽ càng ngon. Có bạn sẽ thắc mắc tại sao phải ép vụn mè trước khi xay mà không cho luôn vào cối xay từ đầu. Như đã nói tôi muốn học cách nấu chè truyền thống nghĩa là chén chè phải có mùi thơm và vị béo của mè chứ không phải chỉ có màu đen thui không hương vị. Công đoạn ép mè tuy mất thời gian nhưng sẽ giúp mè tỏa ra hương thơm và ép được dầu mè. Nếu dùng máy xay ta sẽ không đạt được kết quả này.
Sau khi mè đã nhuyễn, ta đổ hỗn hợp gạo vào trong cối mè xay thêm 1 lần nữa cả hai thứ mè và gạo. Làm vậy sẽ trộn đều được được hai thứ và càng tăng thêm độ nhuyễn.
Đổ hỗn hợp mè gạo vào nồi. Cho thêm 1 bát tô nước. Bắc lên bếp đun lửa vừa. Trong quá trình nấu bạn phải luôn tay khuấy đều nhè nhẹ để gạo quyện vào mè, nếu không gạo sẽ lắng xuống đáy nồi và cháy. Khi nồi chè sôi, ta cho đường cho ngọt theo ý muốn rồi tiếp tục khuấy đều. Khi nào chè có độ sếnh là OK.
Muốn chè có độ mịn và óng ả như ngoài hàng ta phải để hỗn hợp chè nguội sau đó cho vào máy xay sinh tố xay thêm 1 lần nữa cho thật nhuyễn rồi mới ăn. Tuy nhiên bước này tùy ý thích của bạn. Vì máy xay của tôi hơi ọp ẹp nên tôi bỏ qua bước này. Tuy thỉnh thoảng vẫn có những miếng hạt vừng khi ăn nhưng cảm giác được nhai hạt vừng trong miệng cũng rất thích thú.

Dọn ăn: Chè mè đen là món ăn ưa chuộng của người Hoa. Họ thích ăn nóng phỏng lưỡi vào những ngày đông lạnh. Nếu chè quá đặc sau khi đun lâu trên bếp bạn có thể thêm nước nóng cho loãng ra. Nhớ kiểm tra lại độ ngọt cho vừa miệng.

Tuy nhiên Sài Gòn quanh năm nóng nực, ăn chè nóng không được ưa chuộng. Tôi bỏ chè vào trong một cái hộp, cất vào tủ lạnh cho mát rồi mới ăn. Chè mát lạnh, béo ngậy và thơm mùi mè rất hấp dẫn. Bạn có thể nấu 1 âu lớn ngày nghỉ rồi ăn dần cũng được.

ST_________________
Hình đại diện của thành viên
tranchau
Administrateur du site
 
Bài viết: 8085
Ngày tham gia: 10 Tháng 5 2010


Quay về Bánh - Chè - Xôi - Thức Uống

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.7 khách.


cron
free counters F9: Đổi kiểu gõ | F12: Tắt mở bộ gõ
Tắt  Tự động  Telex  VNI  VIQR