________________________________________
Cách trồng khổ qua trong chậu cho nhiều trái và thu hoạch lâu dài/Thanh Moc Garden
Phần đầu hạt có lớp vỏ dày, bạn có thể dùng kềm hớt bỏ 1 phần để giúp cho mầm dể dàng tách lớp vỏ ấy ra, cách làm này giúp hạt nảy mầm nhanh và khỏe hơn. Sau đó bạn ngâm vào nước ấm (bạn pha khoảng 2 phần nước sôi và 3 phần nước lạnh để tạo ra độ ấm phù hợp của nước).
Bạn ngâm ít nhất 1 buổi, để tiện bạn ngâm sáng đến chiều hoặc từ tối đến sáng. Sau đó bạn dùng 1 khăn ẩm (tức là khăn đã được vắt ráo nước).
Mình dùng thêm 1 chiếc khăn ẩm khác để lót vào thêm cho đủ tạo độ ẩm và giữ ấm cho hạt nảy mầm.
Sau 1 ngày, đúng 24 tiếng thì mình mang ra xem hạt nảy mầm chưa nhé bạn. Hạt đã bắt đầu nảy mần, tùy vào nhiệt độ nước bạn ngâm là nước ấm hay nước lạnh và tùy thuộc vào thời gian bảo quản hạt giống mà thời gian hạt nảy mầm có thể kéo dài đến 2 ngày hoặc hơn nhé bạn.
Mỗi bầu đất bạn đặt một hạt, nên đặt hạt nằm ngang, như vậy mần không tốn nhiều thời gian để xoay hạt lại khi bung mầm và đưa vỏ hạt lên.
Sau 2 ngày gieo hạt, mầm đã bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất. Nếu nơi bạn đặt cây nắng ít hay nắng hướng 1 bên thì cây sẽ cao và có hướng ra phía ánh sáng mạnh, điều đó thể hiện cây khổ qua là loại cây ưa nắng.
Sau 10 ngày, tính từ ngày gieo hạt vào chậu bầu thì cây đã bắt đầu thả vòi leo rồi và giờ cần phải sang chậu cho cây.
Giàn leo mình sử dụng cây tre và dây nhôm, nếu sử dụng dây kim loại để làm giàn thì dùng dây nhôm thay cho dây kẽm nhé bạn, vì nhôm dẫn nhiệt kém nên khi trời nắng nóng không làm dây nóng lên mà ảnh hưởng đến dây leo của mình.
Đất trồng cây khổ qua này vẫn là hổn hợp đất trộn có mụn dừa, tro trấu, trấu và phân bò được ủ oai mục, trước khi trồng mình có pha thêm 1 ít đất thịt.
Với 10 bầu cây mình sẽ trồng vào 4 chậu lớn (2 chậu bìa 2 cây, 2 chậu giữa 3 cây). Sau khi sang chậu 1-2 ngày bạn có thể dùng phân ure đen để tưới thúc cho cây. Tưới lúc chiều mát là tốt nhất nhé bạn, nếu vào mùa nắng thì bạn nên tưới đất ướt 1 phần sau đó tối tối hãy tưới phân, đừng nên tưới phân khi đất đang khô.
Cây được đặt ở nơi có nhiều nắng, nên buổi trưa nắng lá cây có mềm và xụ xuống cũng là điều bình thường thôi nhé bạn.
Sau 6 ngày sang chậu, cây đã bắt đầu quấn lên giàn và dài trông thấy rỏ luôn nhé bạn. Mình sẽ ngắt đọt để dây khổ qua ra được nhiều chòi hơn.
Cây cũng đã bắt đầu cho ra nụ, tuy nhiên việc ngắt đọt vẫn phải ngắt, nếu không sẽ rất ít nhánh để cho ra trái.
Sau 6 ngày ngắt đọt, cây ra nhánh khá nhiều nhé bạn. Giờ mình cũng bón thêm 1 ít phân NPK cho cây để bổ sung dinh dưỡng cho cây chuẩn bị nuôi trái. Mình dùng phân NPK-Te dạng viên hữu cơ. Bạn xôm 2 lỗ cách gốc hơn nửa gang tay sau đó đặt phân vào và khỏa đất lấp lại, bỏ 1 lượng phân vừa đủ chứ không phải càng nhiều phân càng tốt nhé bạn.
Sau 1 tuần bón phân, tức là khoản 2 tuần kể từ khi ngắt đọt, nhìn dây leo thật xung sức. Cây đã bắt đầu cho ra rất nhiều hoa cái và cây đã sẳn sàng cho trái.
Về tưới nước cho cây, thời kỳ cây ra hoa, chuẩn bị cho trái không được để thiếu nước nhé bạn, mỗi ngày bạn cần tưới 2 lần với lượng nước nhiều hơn các loại rau khác.
Khi chăm sóc bạn cũng cần quan sát những lá lủng lỗ hay lá vàng bất thường để sớm tìm ra nguyên nhân mà xử lý. Nếu có những con sâu màu xanh nhỏ li ti, ít thì bạn lặt bỏ những lá sâu và tỉa lá thưa hơn. Còn nếu sâu đang tấn công nhiều thì bạn nên dùng thuốc để xịt, đến khi cây đã bị sâu thì dòng thuốc sinh học sẽ hiệu quả kém nên bạn có thể dùng các dòng thuốc của những hãng uy tín và cách ly đúng thời gian quy định, mình thường sử dụng confidor.
Bạn nhìn kỹ sẽ thấy kích cở và màu sắc lá ở 2 bên mép giàn và ở giữa có sự khác biệt, phía bìa ngoài dây khổ qua có lá màu xanh hơn và to hơn, còn ở giữa sẽ nhỏ hơn và màu hơi vàng. Nguyên nhân chính là do ở 2 chậu bìa mỗi chậu mình trồng có 2 cây, còn 2 chậu giữa mỗi chậu tới 3 cây và có vẽ như chậu này trồng 2 cây là đủ sức, 3 cây là hơi chật chội cho cây nhé bạn.
Ngoài việc nhờ gió mà những hoa cái được thụ phấn tốt thì trong vườn có nhưng con ong hút mật lại càng tốt nhé bạn. Chỉ cần khoảng 5 tuần trồng là khổ qua đã cho thu hoạch.