Trang 1 trên 1

Ăn uống dưỡng sinh

Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 10 2011
gửi bởi tranchau
Hình ảnh


Xu hướng “quay về thiên nhiên” trong ẩm thực gần đây đã trở thành một trào lưu. Từ cao lương mỹ vị, nhiều người chọn hướng quay về với những món mộc mạc. Chẳng phải trước giờ không đủ tiền để… ăn rau, mà thịt cá giàu dinh dưỡng dường như đã “đầy” trong cơ thể.

Thế là quay sang tìm ăn món gì để thấy khỏe! Chuyện ăn uống dưỡng sinh vì thế thật rôm rả.

Ăn thực dưỡng

Nói về cách ăn uống dưỡng sinh, nhiều người nghĩ ngay đến phương pháp thực dưỡng (macrobiotis) của người Nhật, còn có tên khác là phương pháp Oshawa. Một trong những điểm quan trọng nhất của cách thức ăn uống này là lời khuyên nên dùng ngũ cốc hạt toàn phần (ngũ cốc thô, chỉ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài), thay vì được xay giã quá trắng như gạo trắng, bánh mì trắng, sợi bún, phở, các loại ngũ cốc đóng hộp... Hàng ngày, cơ thể cần bổ sung hai, ba loại ngũ cốc thô và ít nhất bảy loại rau có màu sắc khác nhau. Nhiều loại rau củ nếu trồng sạch và rửa sạch vẫn có thể ăn cả phần vỏ như lê, táo, ổi hoặc cả củ cả lá như củ cải, cà rốt… để “tận thu” dinh dưỡng. Cách “quay về” gần gũi này vừa là biện pháp hữu hiệu để tránh những hóa chất tẩm ướp, chất tẩy trắng và những phụ gia thường xuất hiện trong chế biến thực phẩm, vừa là để “xài” tối đa những dưỡng chất từ thiên nhiên như vitamin, khoáng chất, axít amin, chất xơ chứa trong phần vỏ bọc.

Đơn cử như món cơm dưỡng sinh gạo lứt muối mè, tưởng chẳng có gì đặc biệt, nhưng đã được giới y học xem như liều thuốc thần cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư từ năm 1982. Hóa ra, đâu phải chỉ cao lương mỹ vị mới là nguồn dinh dưỡng?

Ngoài người bệnh, những người có tuổi nếu thay một bữa cơm thường bằng gạo lứt muối mè sẽ rất tốt cho sức khỏe, còn những người trẻ tuổi vẫn có thể dùng gạo lứt kết hợp những loại rau củ, thịt cá để dưỡng sinh. Tuy nhiên, thực dưỡng không chỉ là ăn gì mà còn là ăn đúng cách. Chẳng hạn món gạo lứt muối mè đơn giản là thế, nhưng để “ăn cho phải đạo” lại không hề đơn giản. Vẫn có những yêu cầu chặt chẽ để miếng ngon trở thành miếng bổ, như khi ăn phải tập trung vào việc nhai thật kỹ, một muỗng cơm phải đạt 60-70 lần nhai để đạt độ nhuyễn như cháo mới phát huy tối đa công dụng. Vì vậy, đôi lúc ăn một bữa cơm gạo lứt chỉ đôi ba chén mà mất đến cả tiếng đồng hồ! Đây cũng là món không cốt phải ăn thật no (bởi nhai kỹ thì no lâu).

Dưỡng sinh theo mùa

Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, có một “tỷ lệ vàng” trong ẩm thực, đó là một bữa ăn cần 50% ngũ cốc (thô hoặc đã chế biến), 20-30% rau quả tươi, 10% đậu, cá, thịt trắng, 5-10% các loại canh, 5-10% gia vị và các thực phẩm bổ sung như thức uống, món tráng miệng… Theo lý thuyết này, một bữa cơm cũng không cần thiết phải mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một chén xúp, một hai món chứa chất xơ và tinh bột với đôi ba loại ngũ cốc thô, rau hấp, một đĩa đậu hoặc chút ít cá, thịt là đủ.

Về thức uống, những loại được khuyến khích dùng nhiều nhất hiện nay là trà xanh, nước trái cây tươi (như nước ép từ cam, táo, nho, lựu đỏ, quả mâm xôi, anh đào, nam việt quất…), rượu vang đỏ, sữa đậu nành và sữa chua.
Về thức ăn, cách ăn dưỡng sinh có thể được chia theo mùa. Trong mùa nóng, những loại thức ăn thanh đạm, nhiều rau tươi tốt hơn những món có độ béo, bơ sữa và rượu. Món hợp khẩu nhất trong mùa này là... cháo! Cháo ngũ đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, hạt sen... Những tô cháo kết hợp giữa ngũ cốc và một ít thịt hầm vừa dễ nuốt, vừa là đơn thuốc thiên nhiên hiệu quả, chống lại sự mất nước do cái nắng nóng mùa hè gây ra và tránh cả sự rối loạn tiêu hóa. Về mùa lạnh, thức ăn dưỡng sinh thường là loại có tính nóng ấm để giải khí lạnh như gừng tươi, hành củ, tỏi, rau mùi, tía tô, gạo, cam, quýt, bí đỏ... Cá lóc được xem là thức ăn dưỡng sinh bậc nhất, chữa được nhiều bệnh vì vị ngọt, không độc, thịt ít mỡ, giàu khoáng chất và vitamin, dùng để nấu cháo, nấu canh chua mùa nóng và nướng cho mùa lạnh. Riêng món cá lóc đen còn đang tạo nên một trào lưu ẩm thực dinh dưỡng mới trên thế giới hiện nay vì rất bổ dưỡng và có tác dụng chống oxy hóa...

Ăn canh nấm cũng là để dưỡng sinh

Một món ăn dưỡng sinh khác đang được ưa chuộng khắp nơi là canh nấm. Nấm được mệnh danh là “thịt thực vật” và khoảng hai năm trở lại đây, những món ăn chế biến từ nấm được xem là món ăn đầy tinh tế và khoa học không chỉ cho người ăn chay. Canh nấm là một món ăn hầm tiềm đậm chất Trung Hoa, cốt chỉ để lấy được phần nước dùng ngọt thanh tinh túy hơn là dùng chính cây nấm. Cách ăn này khi du nhập vào Việt Nam lại được ưa chuộng nhất ở dạng lẩu, có lẽ do phù hợp chất địa phương nóng ẩm. Lẩu nấm ít béo, thanh, ngọt và mát, dùng mùa nào cũng hợp, lại dễ ăn và dễ tiêu so với cách xào nấu thông thường. Món “thịt thực vật” này là thực đơn thích hợp cho người cao huyết áp, tiểu đường, béo phì không phải ăn kiêng mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bây giờ, canh nấm, lẩu nấm đã trở thành “mốt” ẩm thực mới đã nằm trong thực đơn nhiều nhà hàng, khách sạn, thậm chí có cả chuỗi nhà hàng như Ashima còn chuyên về lẩu nấm.

Nhìn chung, cách ăn uống dưỡng sinh dựa nhiều vào tính chất âm dương của thực phẩm. Có một cách tổng kết khá đơn giản và dễ nhớ về cách phân định âm dương trong ẩm thực như sau: chất dương thường có ở các loại thực phẩm có màu đỏ, vàng, tính chất khô, cứng, nhỏ, mọc hướng xuống hoặc nằm dưới lòng đất, sinh sản ở vùng khí hậu mát, lạnh, có vị cơ bản là đắng và mặn. Chất âm thường có ở thực vật có màu xanh hoặc mọng nước và mềm, mọc hướng lên hoặc nằm trên mặt đất, sinh ra ở vùng khí hậu nóng, ấm, vị cơ bản là chua và ngọt.

Sưu tầm

Ăn uống dưỡng sinh

Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 10 2011
gửi bởi tranchau
Ẩm thực theo phép dưỡng sinh

Hình ảnh


Cổ nhân đã dạy: “Bệnh tự khẩu nhập. Họa tự khẩu xuất”, có nghĩa: Bệnh tự miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra. Nhân dịp đầu Xuân, xin mạn phép được bàn đôi điều về ý nghĩa sâu xa từ câu nói của người xưa.

Ăn uống là nhu cầu tất yếu của con người để duy trì sự sống, nhưng không phải là chuyện cứ đưa thức ăn vào miệng là xong, càng không phải ăn càng nhiều càng tốt. Hầu hết các bệnh mà con người mắc phải và chịu đựng đều có nguồn gốc từ ăn uống. Tình trạng ăn phải thức ăn, đồ uống không an toàn, vệ sinh gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc lẻ tẻ vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, là chuyện “nhãn tiền” không ai không biết và có thể nhìn thấy ngay hậu họa. Song có những bệnh cũng do ăn uống, nhưng lại xảy ra từ từ, dần dần, người bị bệnh không dễ thấy ngay nên không biết để phòng tránh hay chạy chữa kịp thời. Tất cả những bệnh ấy đều có chung nguyên nhân là ăn uống không điều độ, ăn cho đến mức thỏa mãn “khoái khẩu”.

Trong cuốn Vệ sinh yếu quyết, Hải Thượng Lãn Ông có ghi lại lời dạy sâu sắc về ăn uống của các bậc tiền nhân: “Người ta có ba thứ dục: ham ăn, ham ngủ và sắc dục; Trong ba thứ này, ăn uống (thực dục) là căn bản. Người biết dưỡng sinh, thì uống trước khi khát nhưng không uống quá nhiều; ăn trước khi đói nhưng không ăn quá no. Nên ăn ít mà ăn nhiều lần, không nên ham ăn nhiều mà khó chịu. Thường nên để trong cái no có một chút đói, chớ không nên để trong khi đói có một chút no. Ăn uống nên dùng thức ấm (vì tì vị ưa ấm, đừng để cho lạnh hay nóng phạm vào). Nên ăn cơm nhiều hơn thịt, không nên ăn thịt nhiều hơn cơm. Thà để đêm đói còn hơn ăn no sinh thương tổn ở trong. Sáng bụng đói chớ uống trà đặc, nên tránh uống rượu sau bữa ăn. Đói quá chớ ăn cực no, khát lắm chớ uống nhiều quá. Sau cơn giận không nên ăn ngay, sau bữa ăn chớ nên nổi giận. Rất nên cẩn thận để giữ cho chân khí điều hòa”.

Người xưa cho rằng ăn uống nhiều quá sẽ gây ra 5 trở ngại: một là đại tiện luôn, hai là tiểu tiện luôn, ba là ngủ không ngon giấc, bốn là không tu luyện được, năm là khó tiêu hóa. Chuyện kể xưa có vị đạo nhân khi đi đường thấy ba cụ già đều trên trăm tuổi đang làm cỏ lúa với nhau. Vị đạo nhân đến hỏi ba cụ: “Vì sao các cụ thọ được như vậy?”. Cụ thứ nhất trả lời: “Tôi không bao giờ ăn quá no!”. Cụ thứ hai nói: “Tôi không bao giờ ngủ trùm đầu!”. Còn cụ thứ ba mỉm cười hóm hỉnh: “Vợ tôi ở nhà xấu xí lắm”. Quả là lời nói của ba cụ hết sức chí lý, khái quát toàn bộ phép dưỡng sinh, trong đó ăn uống điều độ được coi là quan trọng hàng đầu giúp con người vô bệnh tật đạt đến trường thọ.

Ngày nay, nhiều người chúng ta chưa biết đến hoặc chưa thấu hiểu sâu sắc tính khoa học của triết lý ẩm thực này. Nhiều người tiệc tùng, nhậu nhẹt liên miên ngày nọ qua ngày kia, bất kể sáng, tối hay đêm khuya, rượu uống như nước… để đến khi bị đau dạ dày, xơ gan, tiểu đường, mắc bệnh tim mạch, ung thư… thậm chí có người bị tử vong ngay trong một cơn cao huyết áp kịch phát.

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”. Miếng ăn chỉ ngon khi ở miệng. Vì thế phải nên ăn chậm, nhai kỹ mới thấy hết giá trị của miếng ăn, cơ thể mới hấp thu hết dinh dưỡng. Không ai khen người ăn không kịp nhai, ăn uống nhồm nhoàm, ăn không biết no…, chẳng những không có lợi cho sức khỏe mà còn làm mất đi vẻ đẹp của nhân cách.

Trong mỗi dịp đón Tết, nhà nào cũng có thói quen chuẩn bị dự trữ nhiều loại thức ăn giàu chất đạm như thịt đông, giò chả, bánh chưng, các loại thực phẩm chế biến sẵn như lạp xường, giăm-bông, xúc xích, nem rán gói sẵn… Đây là những thứ cần phải bảo quản ở nhiệt độ thấp, song để lâu cũng rất dễ bị ôi thiu, mốc, nhất là trong điều kiện thời tiết đầu xuân nóng ẩm bất thường, nếu không cẩn thận rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, nặng có thể gây ngộ độc thực phẩm, phải cấp cứu.

Mặt khác, trong bữa ăn ngày tết vui vẻ với gia đình, bạn bè, nếu không làm chủ, dễ ăn quá no, gây tình trạng quá tải cho cơ thể. Đó cũng được coi là một cái “tress” cho hệ tiêu hóa, có thể làm đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu, đau dạ dày tái phát, tiêu chảy… Hơn nữa, cơ thể sẽ phải tiếp nhận bất thường một lượng lớn các chất bột, chất đạm, chất béo trong những ngày này sẽ là nguy cơ làm bộc phát các bệnh tiềm ẩn như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu. Đặc biệt với người có bệnh tim càng cần phải ăn uống điều độ. Khi ăn quá no, máu phải dồn về dạ dày để tiêu hóa thức ăn, gây thiếu máu cục bộ ở cơ tim, nhẹ thì cũng có cơn đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp, khó ngủ, nặng có thể gây nhồi máu cơ tim. Với những người có tuổi, cần ăn ít các thức ăn nhiều mỡ như thịt đông, giò xào, các đồ rán, tránh các thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật, ăn ít đường (không uống nước ngọt, không ăn nhiều bánh kẹo). Cần nhất là phải ăn nhiều rau, hoa quả tuơi, không những bổ sung cho cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết mà còn cung cấp chất xơ các loại, không chỉ làm dễ tiêu, chống táo bón, mà còn có tác dụng làm giảm cholesterol máu và chống xơ mỡ động mạch. Ngày tết, nhiều nhà thường ngại vào bếp, nên không nấu những món ăn nóng sốt. Trong những ngày trời lạnh, ăn nhiều đồ nguội sẽ khó tiêu, cơ thể phải mất nhiệt hâm nóng thức ăn, dễ làm mệt mỏi. Vào những dịp du xuân hay đi chúc tết nơi này nơi khác cũng không nên ăn vặt, đồng thời nên chú ý đề phòng quá bữa hoặc bỏ bữa để giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường, tạo cảm giác ăn ngon miệng.

Về chuyện uống, nếu uống rượu, bia ở mức độ vừa phải sẽ có lợi (trừ những người mắc bệnh tim mạch) vì những đồ uống chứa cồn đều có tác dụng khai vị, kích thích tiêu hóa, tăng khả năng lưu thông máu. Rượu thường được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y (ngâm rượu thuốc). Bia cũng có một số vitamin nhưng hàm lượng thấp. Song chớ lạm dụng. Một ngày, mỗi người không nên uống quá 2 lần, mỗi lần không quá 30ml rượu 40o hoặc không quá 600ml bia. Thường xuyên uống nhiều rượu, đặc biệt với những người nghiện sẽ rất có hại tới sức khỏe, dẫn đến các thương tổn ở gan, tim mạch, dạ dày, thần kinh. Nhiều trường hợp bị đột quị, tai biến mạch máu não do rượu. Về mặt xã hội, rượu là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội. Khi say, “rượu vào lời ra”, không còn làm chủ được lời nói và hành vi, lại trong trạng thái bị kích thích, rất dễ dẫn đến phạm pháp. Cho nên, “họa từ miệng mà ra” trong trường hợp này thật không sai!

Sưu tầm